Phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chuỗi giá trị, sản phẩm

Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động ổn định, nhiều HTX đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế thị trường, đầu tư trang thiết bị máy móc, tổ chức sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả. Từ đó, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm trên thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

ĐA DẠNG MÔ HÌNH HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI

Đến HTX Vân An, xã Lê Lai (Thạch An) thành lập từ năm 2018, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng chanh leo với diện tích trồng thử nghiệm 2 ha, đến nay đã mở rộng trên 31 ha. HTX đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc, hạ tầng cơ sở trên 5 tỷ đồng; cam kết hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây chanh leo phát triển tốt, sau 2 năm trồng đã cho thu hoạch trên 30 - 35 tấn quả/ha. Với giá thị trường loại 1 là 25.000 đồng/kg, 31 ha chanh leo của HTX cho thu nhập 250 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX và tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng. 

Đặc biệt, sản phẩm chanh leo của HTX Vân An cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, đồng thời đưa sang thị trường châu Âu thông qua việc liên kết với Công ty CP Nafoods Tây Bắc, Công ty Đồng Giao tỉnh Ninh Bình và Công ty Gái Thành, tỉnh Gia Lai… Sản phẩm chanh leo của HTX được tiêu thụ với số lượng cung ứng trên thị trường mỗi năm trên 10 tấn quả. Hiện nay, HTX được hỗ trợ máy cấp đông để bảo quản sản phẩm sau khi chanh leo tươi được thu hoạch về nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Với vốn điều lệ gần 1 tỷ đồng được thành lập từ năm 2016 đến nay, HTX nông nghiệp chăn nuôi Bảo Hưng, xã Trường Hà (Hà Quảng) hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. HTX đầu tư chăn nuôi lợn thịt và lợn giống; chăn nuôi gà thương phẩm, gà đẻ trứng và kinh doanh một số vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…

Hơn 4 năm hoạt động, các sản phẩm của HTX sản xuất và cung ứng vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm bước đầu được thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Hằng năm, HTX cung ứng ra thị trường từ 2.000 - 6.000 con gà, vịt giống và 200 con vịt siêu trứng, trên 700 con gà thịt. Doanh thu bình quân hằng năm gần 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 - 5 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Vương Văn Võ cho biết: Hà Quảng hiện có 42 HTX với tổng vốn điều lệ hoạt động trên 64 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động SXKD phần nào bị ảnh hưởng, giảm doanh thu của các HTX, thành viên, người lao động. Để duy trì hoạt động SXKD, một số HTX đang thực hiện chuyển đổi mô hình HTX mới theo Luật HTX năm 2012; chuyển đổi phương thức SXKD, đa dạng hóa ngành nghề, đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc mới... Năm 2020, các HTX nộp ngân sách Nhà nước 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân đầu người đạt từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

GẮN VỚI LIÊN KẾT CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

Theo Liên minh HTX tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 630 tổ hợp tác, 356 HTX hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, thu hút 3.213 thành viên với tổng vốn điều lệ trên 376 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng chiếm 30%; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm 19,4%; dịch vụ vệ sinh môi trường chiếm 5%; nông, lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp chiếm 27,5%; thương mại, dịch vụ chiếm 13,4%.

Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể từ tỉnh đến các huyện, Thành phố đang từng bước củng cố, nâng cao năng lực,  hiệu quả hoạt động. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố tập trung các nguồn lực, thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kinh tế tập thể phát triển và thụ hưởng các chính sách của Nhà nước. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng, đổi mới phương thức quản lý, đầu tư dây chuyền sản xuất, xây dựng phương án SXKD phù hợp, tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Liên minh HTX tỉnh triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các HTX vay vốn, hướng dẫn xây dựng dự án đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động SXKD. Đã hỗ trợ 283 HTX đổi mới, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; hỗ trợ 120 HTX thành lập mới đúng luật định. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được cấp vốn năm 2020 là 10 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 3,5 tỷ đồng với 12 HTX được tiếp cận nguồn vốn. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam giao cho Liên minh HTX tỉnh quản lý 1,4 tỷ đồng, hiện nay có 6 HTX đang thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các HTX nông, lâm nghiệp, dịch vụ vệ sinh môi trường… mở rộng đa dạng hoạt động SXKD ở nhiều ngành nghề, dịch vụ mới như: chăn nuôi, cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, trồng và bảo vệ rừng, thu hoạch và thu mua sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh môi trường, chế biến nông sản... Đặc biệt, các HTX giữ vai trò chủ đạo trong mối liên kết giữa hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: miến dong, rau sạch hữu cơ, lợn hương, lợn đen, thịt hun khói…